Chuyên trang thông tin...

[-] Cây chè trên mảnh đất Vĩnh Tân | CÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ THÁI BÌNH LẠNG SƠN Cây chè trên mảnh đất Vĩnh Tân

Chuyên mục: Tin tức tổng hợp,  |  Đọc: 84 |  Bản in  | Cỡ chữ


Ảnh minh họa - nguồn internet

Mảnh đất Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là một địa danh với nhiều dấu ấn lịch sử của cách mạng nước ta. Giờ đây, khi nhắc đến vùng đất ấy, người ta còn biết đến xã Tân Trào là xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang với những con đường bê tông phẳng phiu chạy xuyên suốt thôn, bản; hệ thống điện, đường, trường trạm được xây dựng khang trang, ngõ xóm phong quang, sạch sẽ…

Trong đó, Vĩnh Tân là thôn điển hình trong xây dựng nông thôn mới ở Tân Trào, đạt được những kết quả đó là nhờ có cây chè.

Năm 1977, theo tiếng gọi của phong trào xây dựng vùng kinh tế mới, hơn 50 hộ dân xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng đã lên Tuyên Quang và chọn Tân Trào là điểm dừng chân để xây dựng phát triển kinh tế. Những người cao tuổi trong làng ghép chữ “Vĩnh” ở quê cũ với chữ “Tân” nơi đây để thành tên làng mới là Vĩnh Tân. Ngày ấy, Vĩnh Tân chỉ là mảnh đất hoang sơ với cỏ lau rậm rạp, đất đá lởm chởm. Người Vĩnh Tân quyết tâm đoàn kết vươn lên vượt khó phát triển kinh tế ở mảnh đất này. Bao mồ hôi rơi xuống, bao công sức bỏ ra, những mảnh đồi hoang đã được bàn tay lao động của người Vĩnh Tân dần dần chinh phục. Trong cái khốn khó của cuộc sống, người Vĩnh Tân đã nghĩ, phải lựa chọn 1 loài cây phù hợp để phát triển kinh tế, bởi đất ở đây chủ yếu là đồi núi, dốc đá, phát triển cây lúa sẽ khó khăn cho việc làm thủy lợi. Rồi họ quyết định chọn cây chè để phát triển kinh tế.

Các cụ cao tuổi trong làng kể lại, năm mới lên khai hoang, theo chủ trương của nhà nước cây chè được chọn hỗ trợ người dân phát triển trên đất này. Nhưng mới ở miền xuôi lên, cây chè ngày ấy hoàn toàn lạ lẫm với người Vĩnh Tân. Được nhà nước hỗ trợ giống, các biện pháp kỹ thuật làm đất, gieo ươm… các cụ đã dần nắm bắt được và những đồi chè xanh non mơn mởn dần mọc lên ở nơi đây. Từ đó đến nay, cây chè đã trở thành cây kinh tế chủ lực. Chè ở Vĩnh Tân không chỉ thơm ngon mà năng suất khá cao 13-15 tấn/ha. Cũng từ cây chè mà đời sống của người dân Vĩnh Tân cũng ngày thêm no ấm.

Ông Phạm Văn Tuyến, Chủ nhiệm Hợp tác xã chè Vĩnh Tân cho biết, hiện nay cùng với duy trì giống chè xanh truyền thống, bà con thôn Vĩnh Tân còn phát triển thêm một số giống chè mới như chè Bát Tiên, Ngọc Thúy, O25 chất lượng cao, hiệu quả hơn các giống chè cũ cả về năng suất và chất lượng. Những năm trước, việc thu hái, chế biến chủ yếu làm bằng phương pháp thủ công, phải tập trung nhiều lao động, hiệu quả lao động thấp. Từ năm 2010 trở lại đây, áp dụng công nghệ mới, bà con đã thu hái bằng máy, công đoạn này đã tiết kiệm được hàng chục lao động cho mỗi đợt thu hái. Nhờ phát triển kinh tế từ cây chè, hiện nay thôn Vĩnh Tân có tới 96% số hộ có nhà xây kiên cố, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Để có được mẻ chè thơm ngon đòi hỏi người làm chè nắm chắc các công đoạn như chè xanh phải được hái vào ngày không mưa theo tiêu chuẩn “1 tôm 2 lá” (1 búp 2 lá non). Búp chè sau khi hái để ráo nước nhưng không được phơi trực tiếp dưới ánh nắng. Chè xanh chia làm nhiều loại dựa theo cách chế biến, như chè xanh sao suốt, chè xanh sấy khô bằng hơi nóng, chè xanh phơi nắng, chè xanh hấp... Dù chè sản xuất theo phương pháp thủ công hay cơ giới thì người làm chè đều phải tuân thủ yêu cầu kỹ thuật của từng công đoạn, từ diệt men, vò và sàng tơi, sấy chè, phân loại chè và đánh hương. Trong mỗi công đoạn chế biến đều đòi hỏi phải nắm chắc, chọn đúng thời điểm, như thế mới làm ra được mẻ chè thơm nhất, ngon nhất và đẹp mắt nhất. Một mẻ chè ngon khi đem ra pha phải có màu xanh tươi mát, vị chát đượm, hương dịu thơm tự nhiên và có vị ngọt hậu.

Thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 178,7 ha, trong đó, điện tích đất trồng chè thâm canh là khoảng 150 ha. Đây là nơi nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, mưa nhiều từ tháng 5 đến tháng 10, thời tiết chia làm hai mùa rõ rệt, khí hậu rất thuận lợi cho việc phát triển cây chè.

Sau gần 40 năm hình thành và phát triển cây chè trên đất Vĩnh Tân, từ 20 ha chè ban đầu, đến nay toàn thôn có 150 ha, thu hoạch quanh năm, cung ứng ra thị trường 120 tấn búp chè khô/năm và đang dần hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Ngoài giống chè bản địa, truyền thống, bà con trong thôn phát triển thêm các giống chè đặc sản như Bát Tiên, O25, Ngọc Thúy để nâng cao năng suất, chất lượng. Để nâng cao chất lượng chè sản phẩm, bà con đã thay thế phương pháp chế biến thủ công bằng các loại máy vò chè, sao chè và giảm sức lao động. Hợp tác xã chè Vĩnh Tân được coi là tâm điểm cho sự phát triển Làng nghề, đưa nghề làm chè của Vĩnh Tân lên một tầm cao mới. Với 27 ha chè của 26 thành viên, bằng cách làm mới theo quy trình VietGap, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu, sản phẩm chè đã có giá trị gấp đôi so với trước đây.

Sản phẩm chè Vĩnh Tân nay được khách hàng biết ngày một nhiều hơn qua các cuộc hội chợ quảng bá sản phẩm của địa phương, qua các món quà nhỏ bé nhưng thắm đượm bản sắc vùng miền được người dân xứ Tuyên chọn tặng cho khách phương xa mỗi khi ghé thăm. Chè Vĩnh Tân đã vượt ra khỏi những khoảng cách địa lí, trở thành “thương hiệu” của Sơn Dương.

Năm 2013 được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, Hợp tác xã sản xuất chè Vĩnh Tân thực hiện đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm chè xanh đặc sản Vĩnh Tân tại Cục Sở hữu trí tuệ; đăng ký mã số, mã vạch tại Tổng cục đo lường chất lượng và được Ủy ban nhân dân tỉnh xác nhận chỉ giới địa lý cho vùng sản xuất chè đặc sản Vĩnh Tân, do đó đã góp phần vào phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng bền vững. Đặc biệt, lần đầu tiên tham gia dự thi "Búp chè vàng" tại Lễ hội Festival trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ hai, năm 2013, sản phẩm Chè xanh đặc sản Vĩnh Tân đã đạt Cúp Đồng chất lượng toàn quốc. Sản Phẩm Chè Vĩnh Tân đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất và chế biến chè An toàn đạt An toàn vệ sinh thực phẩm do Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Tuyên Quang chứng nhận và quyết định công nhận nhãn hiệu hàng hóa. Ngày 25/11/ 2014, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chính thức công nhận Làng nghề sản xuất, chế biến chè khô Vĩnh Tân. Đây là Làng nghề đầu tiên được công nhận trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Việc xây dựng Làng nghề sản xuất, chế biến chè khô ở Vĩnh Tân là điều kiện để tập hợp các hộ nông dân tham gia trồng chè cùng nhau trao đổi kinh nghiệm và thực hiện tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình trong khâu thu hoạch, chế biến; đồng thời quảng bá sản phẩm, từng bước nâng cao chất lượng và giá trị.


Cập nhật: Ngày 14 tháng hai năm 2021
Nguồn hpa.hanoi.gov.vn


Các tin khác...

Sản phẩm nổi bật

  • Thái Bình Ô long trà

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè Ô long hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Ô long Thanh Tâm 100g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Bát Tiên hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Ngọc Thúy hút chân không

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...