Chuyên trang thông tin...

[-] Cây chè - cây xóa đói giảm nghèo ở vùng cao Hà Nội | CÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ THÁI BÌNH LẠNG SƠN Cây chè - cây xóa đói giảm nghèo ở vùng cao Hà Nội

Chuyên mục: Tin tức tổng hợp,  |  Đọc: 6334 |  Bản in  | Cỡ chữ

Nhờ được cung cấp mẫu trồng giống tốt, quy trình sản xuất, kỹ thuật chăm sóc bài bản, cây chè PH1 đang trở thành cây chủ lực ở các xã vùng cao Hà Nội khi cho năng suất cao, góp phần hiệu quả trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Từ cây xóa đói nghèo


Từ lâu, cây chè đã được các xã miền núi của Hà Nội chọn làm cây trồng chủ lực, nhưng do sản xuất manh mún, kỹ thuật canh tác lạc hậu, phần lớn là các giống chè cũ… nên hiệu quả kinh tế thấp. Để phát huy thế mạnh của cây chè trên vùng đất này, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã tiến hành khảo sát, xây dựng mô hình sản xuất chè sạch theo hướng VietGap. Sau thời gian thử nghiệm thâm canh, các giống chè như LDP1, LDP2, PH9, Shan, Phúc Vân Tinh hay Kim Tuyên… tại các huyện Ba Vì, Sóc Sơn đã cho năng suất và chất lượng cây chè tăng lên, đồng thời giảm được chi phí sản xuất. Yếu tố quyết định của mô hình này là giảm được số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từ 2 - 3 lần/năm, đảm bảo an toàn chất lượng cho chè thành phẩm.

Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội còn phối hợp với Viện Khoa học Kinh tế Nông, lâm nghiệp miền núi phía Bắc ký hợp đồng liên kết đào tạo cán bộ kỹ thuật sản xuất, chế biến chè an toàn và thuê chuyên gia giám sát thực hiện. Trung tâm còn cử cán bộ kỹ thuật phối hợp cùng Phòng Kinh tế các huyện tham gia mô hình kiểm tra tiến độ, hướng dẫn chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho cây chè theo quy trình kỹ thuật sản xuất chè an toàn. 

Trung tâm cũng phối hợp với một số công ty tiêu thụ chè, các hợp tác xã tổ chức được 6 lớp tập huấn cho 480 cán bộ, xã viên về công tác quản lý, quy trình kĩ thuật thâm canh chè an toàn, thâm canh chè theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời giới thiệu và phổ biến kĩ thuật chăm sóc nhiều giống chè mới có năng suất, chất lượng tốt. Ngoài ra, việc áp dụng kĩ thuật cơ giới hóa vào sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ chè cũng được đưa vào các buổi tập huấn.

Anh Nguyễn Văn Vững chủ vườn chè ở xã Ba Trại (Ba Vì- Hà Nội) phấn khởi cho biết, với hơn 1,6 mẫu trồng giống chè PH1 do Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội cung cấp cùng với sự hướng dẫn quy trình sản xuất chè sạch, kỹ thuật chăm sóc... nên cây chè cho năng suất cao. Đặc biệt, mô hình thâm canh chè an toàn do Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội làm chủ dự án đã giúp người nông dân nâng cao thu nhập, tiến tới đưa cây chè trở thành cây chủ lực để xóa đói giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới.

Anh Nguyễn Tiến Dũng ở xã Ba Trại cũng vui vẻ tiết lộ, gia đình anh có 7 sào đất trồng chè, do có kinh nghiệm lâu năm trong nghề nên sản phẩm chè khô của gia đình anh được bán với giá cao, thương lái đến tận nhà thu mua. Gần đây, gia đình anh tập trung sản xuất theo mô hình chè sạch. "Nếu sản phẩm chè được công nhận chè sạch theo các tiêu chí quốc tế thì việc làm giàu từ cây chè sẽ hết sức thuận lợi", anh Dũng khẳng định.

Đánh giá về việc cây chè PH1 đang trở thành cây chủ lực ở các xã miền núi Hà Nội khi cho năng suất cao, Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hà Xuân Hưng khẳng định, cây chè là cây trồng chủ lực của huyện. Đặc biệt, việc thực hiện các mô hình sản xuất mới đã giúp năng suất, chất lượng và giá thành của chè Ba Vì tăng lên. Cây chè đã thực sự hỗ trợ nông dân các xã miền núi thoát nghèo và vươn lên làm giàu bền vững. Theo kế hoạch, đến năm 2020, huyện sẽ xây dựng 3 vùng chè lớn gắn liền với các vùng du lịch sinh thái là vùng chè Ba Trại, Vân Hòa - Yên Bài và Minh Quang - Khánh Thượng, đưa sản lượng chè lên 3 vạn tấn chè búp tươi, xuất khẩu 4.000 tấn chè các loại mỗi năm.

Đến cây hàng hóa

Mặc dù vậy, Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, ông Nguyễn Bá Sướng cho biết, sản xuất chè của Hà Nội còn rất manh mún, tự phát, chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn. Bên cạnh đó, người trồng chè cũng chưa xác định được đâu mới là giống chè mang tính chiến lược. Chính vì vậy, Hà Nội đã phê duyệt “Đề án Phát triển sản xuất và tiêu thụ chè an toàn thành phố Hà Nội đến năm 2016, định hướng đến năm 2020”, với tổng kinh phí hơn 500 tỷ đồng. Đề án nhằm phát triển chè hàng hoá tập trung, đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ sản xuất, chế biến hiện đại để tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và đẩy mạnh xuất khẩu...

Ngoài ra, đề án phát triển sản xuất nhằm mục đích ổn định diện tích từ 2.700-3.000 ha chè hiện có ở các huyện vùng đồi gò; đầu tư cải tạo vườn chè cũ bằng các giống mới, năng suất, chất lượng cao, nâng cao thu nhập cho người dân trồng chè...

Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2014-2016, trên địa bàn thành phố sẽ trồng thay thế 1.000 ha giống chè năng suất thấp, chất lượng trung bình bằng các giống chè năng suất cao, chất lượng tốt với mục tiêu đến năm 2016, năng suất chè đạt 8 tấn/hécta, sản lượng khoảng 24.000 tấn, giá trị sản xuất đạt trên 90 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, thành phố cũng sản xuất 700 ha chè đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, 150 ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Bước sang giai đoạn 2017-2020, tiếp tục trồng thay thế 1.000 ha giống chè năng suất thấp, chất lượng trung bình bằng các giống chè có năng suất cao, chất lượng tốt. Qua đó, đến năm 2020, nâng năng suất lên thành 9 tấn/ha, sản lượng 27.000 tấn, giá trị sản xuất đạt trên 110 triệu đồng/ha/năm. 

Cũng trong giai đoạn này, trên địa bàn thành phố tổ chức sản xuất 1.500 ha chè đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, 300 ha chè đạt tiêu chuẩn VietGap; phát triển sản xuất chè gắn với du lịch sinh thái, văn hoá, bảo vệ rừng, tăng độ che phủ cho đất, hạn chế xói mòn rửa trôi, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên...

Ông Nguyễn Bá Sướng cũng cho biết thêm, năm 2013, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã có kế hoạch xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ chè an toàn nhằm hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè an toàn. Mục tiêu chương trình là phát triển ưu thế chè Hà Nội, nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường. Đây cũng là một trong những giải pháp tốt nhằm nâng cao thu nhập của người trồng chè, từ đó nhân rộng và gây dựng một thương hiệu chè sạch riêng của mảnh đất Thủ đô./.
 

Minh Thúy - Thùy Linh


Cập nhật: Ngày 04 tháng mười một năm 2017
Nguồn hanoi.vietnamplus.vn


Các tin khác...

Sản phẩm nổi bật

  • Thái Bình Ô long trà

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè Ô long hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Ô long Thanh Tâm 100g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Bát Tiên hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Ngọc Thúy hút chân không

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...