Chuyên trang thông tin...

[-] Ðất dốc với cây trồng thích hợp ở miền núi phía bắc | CÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ THÁI BÌNH LẠNG SƠN Ðất dốc với cây trồng thích hợp ở miền núi phía bắc

Chuyên mục: Tin tức tổng hợp,  |  Đọc: 132 |  Bản in  | Cỡ chữ


Ảnh minh họa - nguồn internet

Phát triển cây trồng thích hợp với vùng đất dốc vừa là biện pháp hữu hiệu giữ "của để dành" cho đời sau, vừa có thể tăng thu nhập bền vững cho những người đang sản xuất ở vùng đất rất dễ bị rửa trôi xói mòn đến mức cạn kiệt nguồn dinh dưỡng. Do đó, sức sản xuất suy giảm rất nhanh, có ảnh hưởng xấu ngay đến người đang sản xuất nông lâm nghiệp, và đã là nguyên nhân của du canh du cư.

Ngay từ thập kỷ cuối thế kỷ trước, đã có nhiều kết quả nghiên cứu theo dõi nhằm "số liệu hóa" sự mất mát trên, góp phần nêu rõ hơn tầm quan trọng của đất núi đồi thoái hóa rửa trôi. Hàm lượng mùn trong đất là chỉ tiêu của độ màu mỡ của đất, khi mới khai hoang được xác định là 3,5%.

Sau 5 năm trồng chè còn 2,5%; trồng sắn còn 0,9%, hay trồng chè tuy là cây lâu năm chống xói mòn tốt vẫn mất 1% mùn; trồng sắn mất tới 2,6%. Nhiều chỉ tiêu khác về độ màu mỡ của đất cũng diễn biến theo chiều hướng xấu đi, như khả năng giữ chất dinh dưỡng trong đất giảm, kết cấu kém đi.

Một kết quả sản xuất sau khi khai hoang từ năm thứ nhất, thứ hai và thứ ba là: năng suất lúa cạn đạt: 1,3 tấn/ha; 0,7 tấn/ha và 0,4 tấn/ha; ngô đạt năng suất: 2,5 tạ/ha; 1,5 tạ/ha và 0,6 tạ/ha; sắn đạt: 12 tạ/ha, 8 tạ/ha và 5 tạ/ha hay giảm 7 tạ/ha!

Tăng độ che phủ của cây rừng là giải pháp cơ bản nhất chống xói mòn và cải thiện môi trường sinh thái. Chúng ta đã có nhiều nỗ lực tăng độ che phủ của rừng, từ mức che phủ khoảng 28% vào giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước, đã tăng lên 32-35%.

Người dân vùng này đã có nhiều kinh nghiệm sản xuất tự túc và kinh doanh kết hợp chống xói mòn tốt, như xây dựng ruộng bậc thang theo đường đồng mức, chọn những loài cây lâu năm thích hợp để sản xuất, trồng cây bảo vệ đất kết hợp chắn gió, trồng cây họ đậu đỗ lâu năm và hàng năm loại cây công nghiệp hay cây lương thực trên ruộng bậc thang, trồng theo đường đồng mức, trồng xen phủ đất chống xói mòn mùa mưa và giữ ẩm, đồng thời làm tăng độ màu mỡ của đất.

Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía bắc đang kế thừa, nghiên cứu áp dụng và phát huy tác dụng của kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ðây là một viện nghiên cứu triển khai tổng hợp, được thành lập mấy năm nay, trên cơ sở một số viện trước, đầu tiên là Trại Nghiên cứu Chè Phú Hộ.

Viện có hơn 400 người, phần lớn tự trả lương, có nhiều trung tâm nghiên cứu của viện ở rải rác các tỉnh miền núi phía bắc, và có những hoạt động thiết thực ở nhiều tỉnh như Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình và cả bốn tỉnh thuộc Tây Nguyên. Tùy theo những vấn đề của phát triển lâm nông nghiệp và tập quán của địa phương, mỗi nơi viện có những mục tiêu trước mắt và lâu dài phù hợp. Như ở cơ sở chính Phú Hộ (Phú Thọ), ngoài cây chè là chủ lực, còn nhiều cây lâm nghiệp và lương thực được nghiên cứu phát triển, kể cả cây rất lâu năm như cây lim.

Sau quá trình dài bị chặt phá, viện đã bảo vệ và giữ lại được một khu mấy trăm cây lim, được coi như là nơi có nhiều lim tập trung nhất, nhiều cây con mọc tự nhiên do cây mẹ phát tán cũng được bảo vệ và chăm sóc để trồng mở rộng diện tích trồng lim. Một rừng cao-su mới trồng với những cây đã to bằng bắp vế bắp đùi, chẳng bao lâu được khai thác mủ. Trại nuôi bò với giống mới tốt cũng được thiết lập và đang phát triển. Hiện nay, chúng tôi cho rằng điểm nổi bật ở đây là sản xuất chế biến kinh doanh chè bền vững, và trồng cây lạc dại lưu niên phủ đất chống xói mòn.

Sau năm 1975, các đồi chè kinh doanh sản xuất suy thoái "trên đau dưới đói", vì hái búp quá nhiều (đau), vì độ phì cạn kiệt (đói). Nhiều đồi chè đã phải thanh lý sớm trước chu kỳ kinh tế 30 năm.

Các nhà khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu Phú Hộ và từ nhiều viện khác đã có những đóng góp phát triển chè bền vững. Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm nhân dân, nhiều mô hình trồng chè có cây họ đậu, cây rừng trồng xen theo hai dạng: dạng cộng sinh thưa giãn với những dải rừng chắn gió, hoặc trồng dọc theo các đường vận chuyển cản nước chảy rửa trôi đất; dạng cộng sinh dày chặt trồng xen vào nương chè bằng những cây ngắn ngày bộ đậu (lạc, đậu tương...), cây thân đứng hằng năm (cốt khí, hồng đáo, muồng dùi đục ...), cây lá nhỏ lâu năm (muồng đen, keo dậu...).

Từ sau đổi mới, nhất là mấy năm gần đây, Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp miền núi phía bắc (NOMAFSI) chuyển giao nhiều giống chè mới, kỹ thuật mới, trong đó có công nghiệp hóa chăm bón và thu hái chè, mà đã xuất hiện nhiều đồi chè không kém đồi chè công nghệ cao ở Nhật Bản. Ðặc biệt, có đồi chè cao sản đạt đến 32 tấn búp/ha, vào loại năng suất chè kỷ lục trên thế giới; lại đang ở tuổi thọ 32 năm, hay vượt chu kỳ kinh tế trong sản xuất, kinh doanh chè. Ngày một đông khách trong và ngoài nước tới thăm viện.

Tác dụng phủ đất chống xói mòn giữ ẩm và cải tạo đất của họ cây đậu nói chung và cây lạc nói riêng đang được viện tiếp tục nghiên cứu sâu hơn và phát huy mở rộng diện tích áp dụng. Như mô hình trồng xen lạc với sắn ở Hồng Tiến, Sơn Dương, Tuyên Quang, 100% nông dân lựa chọn cách trồng hai hàng lạc xen giữa hai hàng sắn, vì mỗi ha lãi cao nhất 19 triệu đồng, hơn trồng sắn thuần 12 triệu đồng, lại phủ đất tốt nhất để hạn chế đến mức thấp nhất do trồng sắn làm cho đất mặt bị rửa trôi, khi năng suất sắn càng cao, càng đào bới nhiều, đất càng bị rửa trôi thoái hóa. Ðặc biệt là, viện đang tích cực mở rộng diện tích trồng lạc dại lưu niên, vì phủ đất chống xói mòn và giữ ẩm tốt nhất, sinh khối làm phân xanh trả lại đất nhiều, người trồng bỏ công ít mà có lãi thuần cao hơn cả lạc củ.

Lạc dại lưu niên có những ưu điểm của cây lạc hằng năm như nốt sần cố định đạm cho cây trồng, có sinh khối lớn làm phân xanh, lại có nhiều ưu điểm vượt trội khác. Ưu điểm thứ nhất là "lưu niên", có thể trồng bằng cành để nhân giống nhanh, trồng bằng hạt có bộ rễ phát triển tốt hơn. Mỗi kg giống hom lạc dại hiện có giá khoảng 15.000 đồng, cứ 10 kg hom nhân được độ 50 m2, cứ khoảng ba tháng lại cắt nhân tiếp ra diện tích gấp ba lần. Cũng như nhiều cây dại khác, lạc dại có tính thích ứng và chịu đựng hạn và lạnh cao, sinh trưởng tốt được cả ở vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới, vùng cao mà cây vẫn ra hoa vàng dịu quanh năm đẹp mắt. Trồng xen dưới bóng râm của cây cao hơn vẫn phát triển tốt hơn nhiều cây khác. Ðặc biệt là, có thể cắt dây lá lạc dại thường xuyên, để có hom trồng mới phủ đất, và làm thức ăn cho gà, vịt, lợn, cá.

Từ mô hình trồng thử cây lạc dại trong giai đoạn 1999-2003 đạt kết quả rất tốt của dự án SAM ở Chợ Ðồn - Bắc Cạn, chính các nhà khoa học thực thi dự án này lại về NOMAFSI tiếp tục xây dựng mô hình cho việc phát triển trồng lạc dại ở hàng chục tỉnh miền núi, trong đó có các tỉnh Tây Nguyên. Bà con nông dân đang mở rộng diện tích trồng lạc dại xen vào vườn cây ăn quả, cây công nghiệp, trồng ở ven đường, quanh hồ vừa để phủ đất, vừa để làm cảnh.

Những việc làm của các nhà khoa học nông lâm nghiệp, trong đó có các nhà khoa học của Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp miền núi phía bắc đã có những đóng góp cụ thể trong điều kiện đi lại và sinh hoạt khó khăn của vùng xa, vùng sâu, vùng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và vùng núi cao hẻo lánh. Những đóng góp này rất đáng được phát huy, mà trước đây do vấn đề an ninh lương thực bức xúc nên chưa được quan tâm đầy đủ.

Nguồn: GS, TS Nguyễn Văn Luật (Nguồn: Báo Nhân Dân)


Cập nhật: Ngày 04 tháng bốn năm 2020
Nguồn hagiang.gov.vn


Các tin khác...

Sản phẩm nổi bật

  • Thái Bình Ô long trà

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè Ô long hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Ô long Thanh Tâm 100g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Bát Tiên hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Ngọc Thúy hút chân không

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...